Forex hay thị trường giao dịch tiền tệ chính là cuộc thi xem ai dùng tiền giỏi hơn. Giao dịch có lúc thua lúc thắng và không ai có thể đảm bảo mình chiến thắng 100%. Vì vậy, những người tồn tại lâu nhất và kiếm lợi nhuận ổn định từ thị trường chính là những người dùng tiền giỏi nhất.
Bạn hãy một lần nữa nhìn lại câu trên và ghi nhớ những từ khóa “lợi nhuận ổn định” và “dùng tiền giỏi nhất”. Dù chiến lược giao dịch của bạn là ngắn hay dài hạn thì Forex vẫn là cuộc đua đường dài. Bạn có thể thắng rất lớn và thua cũng rất đau, vì vậy việc kiếm lợi nhuận ổn định nên được đặt làm ưu tiên. Để có lợi nhuận ổn định, bạn cần quản lý vốn forex hiệu quả.
Và trong bài viết ngày hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ về tầm quan trọng của quản lý vốn forex. Cùng với đó, bạn cũng sẽ nắm được hướng tiếp cận cơ bản để có phương pháp quản lý vốn forex của riêng mình.
Quản lý vốn forex là gì?
Quản lý vốn forex là việc nhà giao dịch sử dụng tiền vốn và kiểm soát các giao dịch của mình. Mục đích của hành động này nhằm giảm thiểu thua lỗ và tối đa hóa lợi nhuận. Từ đó, nhà giao dịch có thể thực hiện giao dịch nhiều hơn, ổn định hơn. Cuối cùng, tích lũy số lượng sẽ tạo thành bước nhảy chất lượng và đó chính là lãi kép.
Quản lý vốn forex đặc biệt quan trọng vì giao dịch forex thường phải sử dụng đòn bẩy. Như các bạn đã biết, thay đổi giá tiền tệ thường rất nhỏ, tính ở hàng pip - chữ số thập phân thứ 4. Do đó, để tạo ra lợi nhuận đáng kể từ những thay đổi này cần khối lượng giao dịch thật lớn. Mỗi vị thế của nhà giao dịch có thể lên tới hàng lot - trăm nghìn đơn vị. Nhà giao dịch sẽ cần tới đòn bẩy để phóng đại sức mua của mình nhằm đạt tới khối lượng này.
Tuy nhiên, đòn bẩy là con dao hai lưỡi. Một mặt, nó gia tăng sức mua và giúp nhà giao dịch tiếp cận mức lợi nhuận lớn hơn. Mặt khác, nó cũng khiến nguy cơ thua lỗ tăng cao, thậm chí vượt quá số vốn của nhà giao dịch. Vì vậy, việc quản lý vốn forex là cốt lõi khi bạn đặt chân vào thị trường tiền tệ.
Tầm quan trọng của quản lý vốn forex
Để sinh tồn trên thị trường
Bạn hãy một lần nữa nhớ đến cụm từ “lợi nhuận ổn định”. Forex có sức hấp dẫn khó chối bỏ và nhà giao dịch sẽ dành nhiều thời gian ở đây. Điều quan trọng trước khi thực hiện mỗi lệnh là bạn cần đảm bảo mình vẫn còn tiền cho ngày mai.
Thêm vào đó, để trở thành nhà đầu tư thành công, bạn phải trải qua rất nhiều giao dịch. Càng có nhiều giao dịch, bạn càng có nhiều kinh nghiệm để chiến đấu tốt hơn. Và để có nhiều giao dịch, việc đầu tiên là không được để cháy tài khoản quá nhanh chóng.
Ngoài ra, kiếm lợi nhuận luôn khó hơn thua lỗ. Nếu bạn có 100% vốn, bạn lỗ 10% còn 90% thì để lấy lại 100% ban đầu, bạn sẽ cần kiếm tới: (10090 - 1) x 100% = 11,11%
Con số này càng tăng lên nếu thua lỗ càng lớn, nếu bạn lỗ 50% thì mức lợi nhuận bạn cần kiếm lại lên tới 100%. Do đó, việc hạn chế thua lỗ để sinh tồn là tối quan trọng. Và quản lý vốn forex là tiêu chí đầu tiên để trở thành nhà đầu tư thành công.
Tối đa hóa lợi nhuận/Giảm thiểu thua lỗ
Một ưu điểm của giao dịch forex trên các nền tảng như MetaTrader là bạn có các lệnh chốt lời/cắt lỗ. Quản lý vốn forex xoay quanh việc bạn dùng tiền cho mỗi lệnh như thế nào và thoát lệnh ra sao. Đối với mỗi giao dịch, bạn cần xác định tỷ lệ phần thưởng/rủi ro mà mình có thể chấp nhận. Sau đó, hãy tuân thủ triệt để con số này thông qua các lệnh tự động chốt lời/cắt lỗ.
Việc không tuân thủ kỷ luật đã đặt ra dễ khiến bạn sa đà vào những giao dịch thua lỗ. Tiếp đến là những giao dịch trả đũa và kết quả là lỗ chồng lỗ. Ngược lại, không biết hài lòng với lợi nhuận kiếm được và quá tham lam sẽ khiến bạn giao dịch quá nhiều. Giao dịch càng nhiều với khối lượng lớn có thể dẫn đến những rủi ro lớn hơn và khiến bạn rơi vào thua lỗ. Kết quả là dù theo chiều hướng nào, bạn cũng có thể bị rơi vào những vòng lặp tiêu cực.
Việc kiếm lợi nhuận ổn định nhờ quản lý vốn forex sẽ giúp bạn thành công trên đường dài. Ngoài ra, nó giúp bạn tránh được giao dịch quá đà và tâm lý không tốt. Bạn đã có chiến lược giao dịch của mình, vì vậy hãy để hệ thống tự hoạt động. Nếu nó sai, lịch sử sẽ chứng minh và chúng ta sẽ điều chỉnh sau. Việc theo dõi quá sát sẽ khiến bạn dễ tự tay phá vỡ hệ thống của mình, bắt đầu từ quản lý vốn forex.
Xây dựng chiến lược quản lý vốn forex
Số vốn cho mỗi giao dịch
Ở phần trên, chúng ta đã thống nhất rằng việc quản lý vốn forex trước hết nhằm mục đích sinh tồn. Vì vậy, bạn cần biết số vốn mình phân bổ cho mỗi giao dịch.
Sẽ có nhiều quan điểm khác nhau nhưng bạn có thể cân nhắc một số con số như 1%, 2%, 4% hoặc 5%. Với 1% số vốn cho mỗi vị thế thì bạn sẽ có 100 vị thế, tương tự 2% sẽ là 50 vị thế, 4% là 25 vị thế.
VD: Nếu tổng vốn của bạn là 1000 USD, tỷ lệ phân bổ là 1% thì mỗi vị thế của bạn sẽ có số vốn 10 USD.
Bạn càng chia nhỏ số vốn thì sẽ càng được phép mắc thêm sai lầm. Chia vốn sẽ là bước đầu tiên trước khi chúng ta xác định các thông số tiếp theo.
Xác định tỷ lệ phần thưởng/rủi ro
Tiếp theo, bạn cần xác định được tỷ lệ phần thưởng/rủi ro chấp nhận được cho mỗi giao dịch. Nhìn chung, tỷ lệ này phải duy trì lớn hơn hoặc bằng 1. Điều này nghĩa là bạn luôn kiếm được lợi nhuận lớn hơn hoặc bằng thua lỗ. Chúng ta hãy lấy một ví dụ ở chiều ngược lại để hiểu bản chất của vấn đề.
VD: Nếu bạn xác định tỷ lệ phần thưởng/rủi ro của mình là 1/3. Điều này nghĩa là bạn chấp nhận mất tới 3 đồng để kiếm lại 1 đồng. Nói cách khác, mỗi giao dịch thất bại sẽ cần tới 3 giao dịch chiến thắng để bù lại. Bạn sẽ nhanh chóng cháy tài khoản nếu duy trì tỷ lệ này vì tiền mất quá nhiều so với tiền kiếm lại được. Đây là hướng quản lý vốn forex sai lầm.
Vậy, chúng ta phải làm như thế nào để xác định được tỷ lệ này? Tài khoản demo là một phương án khả thi. Bạn hãy dành thời gian giao dịch trên tài khoản demo và xem lịch sử để biết tỷ lệ chiến thắng của mình là bao nhiêu.
VD: Tỷ lệ chiến thắng của bạn là 25% hay cứ 4 giao dịch thì bạn thắng 1 và thua 3. Lúc này, tỷ lệ phần thưởng/rủi ro tối thiểu của bạn nên là 3/1 - nghịch đảo của tỷ lệ thắng thua (⅓). Nếu bạn phân bổ 10 USD cho 1 vị thế, bạn nên đặt mục tiêu lời/lỗ của mình là 9/3, 6/2 hoặc 3/1 USD.
Sử dụng đòn bẩy phù hợp
Đòn bẩy là công cụ quan trọng khi tham gia giao dịch. Tuy nhiên, nó luôn là con dao hai lưỡi mà bạn cần đặc biệt lưu tâm trong quản lý vốn forex. Tỷ lệ đòn bẩy cần căn cứ trên số vốn mà bạn sử dụng. Việc sử dụng đòn bẩy quá lớn so với số vốn sẽ khiến vị thế rất dễ bị tổn thương trước các biến động.
VD: Bạn phân bổ 10 USD cho 1 vị thế mua EUR/USD, đòn bẩy là 1:1000. Giá trị 1 pip lúc này sẽ là 0,0001 x 10.000 = 1 USD. Như vậy EUR/USD chỉ cần giảm 10 pip ~ 10 USD là vị thế của bạn sẽ bị mất trắng. 10 pip nằm trong biên độ dao động hàng ngày của cặp EURUSD nên đây là mức đòn bẩy tương đối mạo hiểm. Trong khi đó, nếu số tiền phân bổ là 100 USD thì sẽ cần tới 100 pip. Vì vậy, việc chọn đòn bẩy tương ứng với số vốn phân bổ là rất quan trọng.
Quản lý vốn kết hợp với chiến lược giao dịch
Số vốn phân bổ, tỷ lệ phần thưởng/rủi ro và đòn bẩy là 3 yếu tố để bạn đánh giá nhằm quản lý vốn forex. Tuy nhiên, bạn cần kết hợp chúng với chiến lược giao dịch và phong cách của mình.
-
Giao dịch dài hạn: Vị thế của bạn có thể kéo dài tới hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể phân bổ tỷ lệ vốn lớn hơn và đòn bẩy nhỏ hơn cho mỗi giao dịch.
-
Giao dịch ngắn hạn: Vị thế của bạn chỉ kéo dài vài phút hoặc trong ngày. Nếu đây là phong cách của bạn, tỷ lệ phân bổ nên nhỏ hơn vì số giao dịch sẽ nhiều. Ngược lại, đòn bẩy nên tăng lên để giá trị giao dịch đáng kể hơn.
Tâm lý ham muốn rủi ro và số vốn của mỗi người đều khác nhau. Vì vậy, các con số và tỷ lệ không cố định. Tuy nhiên, bản chất vấn đề vẫn không thay đổi và bạn luôn cần đánh giá cả 3 yếu tố để có phương pháp của riêng mình.
Kết luận
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau thảo luận về tầm quan trọng và cách thức để bạn quản lý vốn khi giao dịch forex. Hãy cùng nhau điểm lại những ý chính để khép lại bài viết này:
-
Quản lý vốn nhằm kéo dài “tuổi thọ giao dịch”. Bạn sẽ không bị cạn vốn nhanh chóng và duy trì tâm lý ổn định trong giao dịch đường dài.
-
Việc quản lý vốn sẽ giúp tối đa hóa lợi nhuận/tối thiểu hóa thua lỗ.
-
3 yếu tố để xây dựng phương pháp quản lý vốn của riêng mình: số vốn phân bổ, tỷ lệ phần thưởng/rủi ro, đòn bẩy.
-
Bạn cần kết hợp 3 yếu tố trên cho phù hợp với phong cách giao dịch và tâm lý ham muốn rủi ro của bản thân.
Và đó là tất cả những gì chúng tôi muốn gửi gắm trong bài viết hôm nay. Chúc bạn giao dịch thành công!